Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Vì thế,ínhsáchđingượcvớichủtrươlala69 quy hoạch nêu rõ cần ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.
Thế nhưng trên thực tế, cơ chế đột phá đâu chẳng thấy, chỉ thấy điện mặt trời mái nhà ngày càng bị bó hẹp. Còn nhớ hồi giữa năm, khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, cả người dân và doanh nghiệp (DN) đều kỳ vọng có thể "bán điện cho nhà hàng xóm", nghĩa là lắp đặt, vận hành điện mặt trời, dùng không hết thì bán cho những người, những đơn vị ở cạnh có nhu cầu. Vừa chia sẻ gánh nặng điện với nhà nước, vừa chủ động nguồn nhà mình, vừa thêm đồng ra đồng vào, lại góp phần vào xu hướng sống xanh, sản xuất xanh. Xong chờ mãi không thấy hướng dẫn, những đề xuất, sửa đổi các quy định pháp lý cho việc này cũng hầu như không có.
Cứ tưởng chỉ chậm thôi, ai ngờ đến đầu tháng 12, trong công văn gửi Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các bộ ban ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và VCCI xin ý kiến về Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời của Bộ Công thương, cơ chế bán điện cho hàng xóm đã bị loại thẳng. Cụ thể, bộ này đề xuất cá nhân, tổ chức khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ sử dụng tại chỗ, không bán cho ai, bao gồm cả không bán điện cho EVN (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện). Trường hợp điện dư thừa, cho phép cá nhân, tổ chức lựa chọn phát sản lượng điện mặt trời dư, nếu có, vào hệ thống điện với giá 0 đồng.
Quy định này rõ ràng không hề khuyến khích, thậm chí còn làm nản lòng DN, người dân. Nên nhớ, điện sạch không chỉ để giảm tải cho ngành điện đang còn đối diện nguy cơ thiếu điện rất lớn mà còn là yêu cầu bắt buộc ở nhiều thị trường nhập khẩu hiện nay theo xu hướng sản xuất xanh. Đó là lý do các DN, đặc biệt là DN FDI có nhu cầu chuyển hướng sang điện sạch rất cấp thiết, rất mạnh mẽ.
Ngược thời gian trở lại mùa hè năm vừa rồi, khi tình trạng thiếu điện xảy ra, ngành điện đã phải cắt điện luân phiên cả sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN, đời sống của người dân cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung. Đáng nói cũng thời điểm đó, hàng trăm dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn "đắp chiếu" nằm chờ cơ chế. Dưới sức ép của dư luận và sự quyết liệt của Chính phủ, EVN đã và vẫn đang nỗ lực đàm phán mua điện từ các dự án này...
Những tưởng bài học đó, cộng với chủ trương phát triển điện tái tạo, quan trọng hơn là xu thế không thể đảo ngược về giảm phát thải về 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết thì ngành điện phải tiên phong trong cơ chế, chính sách để phát triển điện sạch nhưng như nói trên, cơ chế chính sách có vẻ đang đi ngược...
Giờ này có lẽ nhiều người đang tự hỏi, nếu hè năm 2024 điện lại thiếu thì Bộ Công thương sẽ trả lời sao khi cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà không phát huy tác dụng kịp thời do những đề xuất đi ngược với chủ trương nói trên ?